Nghệ thuật thưởng thức rượu vang của người sành điệu

Nghệ thuật thưởng thức rượu vang của người sành điệu

Rượu vang ra đời từ nhiều thế kỉ và hàm chứa những giá trị tinh hoa của lịch sử, địa l‎í, văn hóa và lối sống… Nếu không tìm hiểu về dòng rượu thanh cao này bạn sẽ không thể thấy được sự độc đáo kỳ diệu của nó. Thưởng thức rượu vang cũng là cả một nghệ thuật, hãy cùng xem cách thưởng thức rượu vang trong bài viết dưới đây.

Không chỉ là đồ uống đẳng cấp, rượu Vang còn mang lại sức khỏe cho con người mà đặc biệt là đối với phái đẹp.Trong một vài năm trở lại đây, tại Việt Nam, rượu Vang đã trở thành thức uống phổ biến, được ưa chuộng và sử dụng trong các cuộc giao lưu, hội họp, liên hoan, đoàn tụ gia đình và được bày bán nhiều nơi, từ cửa hàng, siêu thị cho đến các nhà hàng, khách sạn và cả quán bar. Điều này có nghĩa là rượu Vang ngày càng có một vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội hiện đại. Tuy nhiên không hẳn ai cũng hiểu biết, lựa chọn và thưởng thức đúng cách bởi sự đa dạng về nguồn gốc và chủng loại của loại đồ uống này.

1. Cách mở nắp rượu vang và chọn ly rượu

Chai rượu vang dự trữ trong nhà, bạn cần để nằm ngang hoặc nằm nghiêng sao cho nước rượu trong chai thấm vào nút bần, việc này giúp giữ được hương vị rượu và khiến cho việc nút bần không bị vỡ khi mở nắp chai.

Với những người sành rượu vang, khi mở nút chai cần trải qua một số bước như sau:

Trước tiên, cắt phần vỏ bao quanh nút chai, cách miệng chai tầm 5mm, rồi lau sạch bằng khăn khô. Lấy phần đầu che nút bần ra, không vội vã, thô lỗ lột hết bao ngoài bằng nhựa (hoặc chì) bao đầu chai rượu. Chai rượu bị mở bằng cách thô lỗ cho ta cái cảm giác trần truồng, thiếu tinh tế.

Dùng đồ khui rượu xoáy tròn theo chiều kim đồng hồ vào nút bần cho tới gần vòng xoắn cuối cùng, kéo nút bần lên khoảng 1cm thì tiếp tục xoáy tiếp cho đến khi vòng xoắn cuối cùng ngập sâu vào nút bần. Kéo từ từ lên rồi nắm vào nút chai lấy ra nhẹ nhàng để tránh không khí sộc vào nhanh quá làm xáo trộn rượu làm cặn rượu bị xáo lên.

Chai rượu mở xong bạn bỏ hẳn nút bần ra ngoài, đừng sợ rượu bay hơi mà đóng nắp chai lại. Đó chính là bạn để cho “rượu thở”, khiến bạn có ngụm rượu đủ hương vị hơn. Nếu được, bạn nên có một bình thủy tinh lớn, có miệng vừa gấp đôi nắp chai rượu và đổ tất cả các chai vang bạn định uống hôm ấy vào một lần. Bạn sẽ có một loại rượu vang như ý trong suốt buổi ăn.

Đối với rượu Champagne & vang sủi tăm: Tháo dây sắt cột nút cổ chai ra. Để chai nghiêng, nắm thật chặt nút chai rồi quay cổ tay, khi nút chai đã quay được thì không quay nút chai nữa, mà phải quay chai rồi nghiêng chai để cho hơi thoát ra nhẹ nhàng.

Ly uống rượu vang thường phải là ly thủy tinh trong có chân cao, sâu và miệng lớn để khi uống ly rượu bạn có cảm giác hương rượu ngào ngạt lên mũi, trước khi nước rượu thấm vào đầu lưỡi của bạn.

 

Nghệ thuật thưởng thức rượu vang của người sành điệu

2. Cách rót rượu vang

Đối với các loại vang đỏ trong điều kiện nhiệt độ bình thường, chúng ta rót phải thật nhẹ nhàng hướng về phía trung tâm của ly, không để nhiễu ra bàn.

Rót rượu vang, bạn đừng rót “dính” đáy ly như các loại rượu mạnh mà ít nhất phải đến 1/3 đến 2/3 ly rượu. Thông thường là hơn 1/2 ly rượu. Cầm ly rượu, trước khi uống nên lắc nhẹ cho rượu sánh quanh ly, nhìn độ rượu lắng xuống nhanh chậm trên thành ly và hưởng được hương rượu nồng nàn từ ly rượu. Với vang trắng, trước khi uống bạn cần ướp hoặc bỏ vào tủ lạnh cho rượu còn nhiệt độ vào khoảng 6 – 8 0 C là tốt nhất, còn rượu đỏ, tùy thời tiết bạn cần giữ rượu vào khoảng 15 – 18 0 C là ly rượu sẽ đậm đà giữ được mùi hương lâu dài.

Đối với Rượu Champagne & vang sủi tăm, trước khi rót rượu thì phải lau cổ chai cho sạch. Hơi nghiêng ly một chút rồi rót rượu vào thành ly cho đến khi bằng 3/4 ly thì ngưng lại.

Với các loại vang này nhiệt độ của ly rất quan trọng. Nếu ly nóng quá thì rượu sẽ sủi hết bọt, còn nếu ly lạnh quá thì rượu sẽ bị xẹp xuống. Nhiệt độ của rượu và nhiệt độ của ly phải cân xứng với nhau thì mới thưởng thức hết được hương vị của rượu.

Điều quan trọng là đừng pha thêm nước đá, nước lạnh, sô đa hay bất cứ thứ gì vào rượu vang vì như thế mùi rượu vang sẽ không còn. Nếu làm vậy, bạn nên uống một thứ cocktail nào đó hơn là chọn rượu vang!

3. Thử và nếm rượu vang

Thử và nếm rượu cũng là một công đoạn khá cầu kỳ với tám bước cơ bản: Quan sát bằng mắt, lắc rượu xoay quanh ly, quan sát độ sánh, ngửi, nhấp một ngụm, lấy khí, nhấp thêm ngụm nữa, hậu vị.

a) Quan sát bằng mắt

Quan sát rượu xung quay thành ly, cũng có thể nghiêng ly rượu sang một bên để dễ dàng quan sát. Rượu trắng sẽ trở nên đậm màu hơn khi trưởng thành còn rượu đỏ sẽ trở thành màu hơi nâu. Lúc này là thời điểm lý tưởng để ngửi cái đầu tiên để so sánh với mùi sau khi lắc.

b) Lắc rượu xoay quanh ly

Lắc rượu xoay quanh ly để tăng bề mặt và số lượng rượu tiếp xúc với oxy, điều này làm cho rượu phát huy hết hương thơm.

c) Quan sát độ sánh

Ta có thể đánh giá được độ sánh của rượu vang bằng cách quan sát những giọt rượu bám trên thành ly chảy xuống nhanh hay chậm. Tốc đổ càng chậm thì rượu càng sánh, tuy nhiên rượu sánh cũng không hẵn là rượu ngon vì thực ra lượng cồn trong rượu sẽ nhiều hơn.

nghệ thuật thưởng thức rượu vang của người sành điệu

d) Ngửi

Mùi thơm của rượu được cảm nhận chính xác nhất nếu ta để ly rượu cách mũi khoảng vài centimet, sau đỏ đưa hẳn ly lên mũi trong lúc ngửi.

e) Nhấp một ngụm

Sau khi thưởng thức mùi thơm của rượu, nhấp một ngụm rượu, đảo rượu xung quanh miệng để có thể cảm nhận được hết vị của rượu bằng tất cả các vị giác như ngọt, chua, mặn, chát, vị béo và các thành phần của rượu.

f) Lấy khí

Tiếp đó, ta cong lưỡi lên và hút khí qua miệng và thở ra bằng mũi để cảm nhận hương thơm của rượu vang tỏa ra. Bằng cách thực hiện như trên, ngoài hương vị thật của rượu, Enzim trong nước bọt sẽ phản ứng và thay đổi một số hợp chất của rượu, do đó bạn sẽ cảm nhận thêm một số hương thơm mới lạ do sự tiếp xúc của rượu với khoang miệng.

g) Nhấp thêm ngụm nữa

Nhấp thêm một ngụm nữa và nuốt luôn để cảm nhận được sự khác biệt tinh tế về mùi hương và hương vị so với cách thưởng thức như phía trên.

h) Hậu vị

Hậu vị chính là dư âm mà rượu để lại trên đầu lưỡi. Đây chính là một phần rất quan trọng chứng tỏ rượu đó có ngon hay không.

Một lưu ý nhỏ là khi uống rượu ta hay mời nhau cụng ly. Chúng ta nên cụng ly vào đầu buổi tiệc và những lúc quan trọng cần nhấn mạnh. Tiếng va chạm của thủy tinh sẽ cho bạn nghe được tiếng rượu – là giác quan sau cùng, tinh tế được hưởng thụ rượu vang sau bốn giác quan kia: mắt nhìn được rượu, tay cầm được rượu, mũi ngửi được hương rượu và lưỡi nếm vị rượu. Nhưng chúng ta cũng cần nên hiểu không phải ly rượu nào cũng nâng lên và phải chạm với người khác. Liên tục chạm, bạn sẽ khiến người đối ẩm mệt mỏi vì cứ như bị ép, mà nhân gian lại có câu “rượu bất khả ép, ép bất khả từ”. Say rượu vang sẽ cho bạn một cảm giác không thể chịu nổi đến vài ba ngày sau.

4. Kết hợp giữa rượu vang và món ăn

Ở Pháp hầu hết các món ăn đều có rượu vang đi cùng, chúng hòa quyện vào nhau hỗ trợ và bổ sung cho nhau tạo thành một bức tranh đầy mầu sắc và hương vị. Thậm chí có những món ăn được đầu bếp Pháp tạo ra dành riêng cho một chai rượu đặc biệt.

Người Pháp thường dùng hai kỹ thuật kết hơp rượu và món ăn cơ bản đó là: Rượu vang đã có sẵn thì phải làm những món ăn phù hợp với loại rươu đó hoặc đồ ăn đã có sẵn thì tìm kiếm rượu vang cho phù hợp.

Người Pháp có câu: “Viande blanche vin blanc, viande rouge vin rouge” (Thịt trắng rượu trắng, thịt đỏ rượu đỏ). Nhưng thực tế là cả một nghệ thuật phức tạp và cầu kỳ của sự phối hợp hương vị hài hòa giữa rượu và các món ăn.

Đồng thời, người Pháp cũng rất quan tâm tới thứ tự dùng rượu vang trong bữa ăn. Họ thường bắt đầu bằng rượu vang trẻ và kết thúc bằng những chai rượu vang lâu năm, vang trắng trước vang đỏ, loại nhẹ trước loại nặng, vang lạnh trước vang để mát, vang chua trước loại vang dịu, vang thường trước loại vang ngon…

Tuy nhiên, có một nguyên tắc chung khác là sự thích thú phải được tăng dần lên cũng như ta cảm thấy chai sau uống ngon hơn chai trước.

Để lại bình luận

Messenger Messenger
Google Map Google Map
Zalo Zalo
Gọi ngay Gọi ngay